Thổ địa Nha Trang
Tìm kiếm

Miếu Thờ Trịnh Phong Diên Khánh

(chưa có đánh giá)
0
2453

Giới Thiệu Về Miếu Thờ Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong Nha Trang.

Miếu Thờ Trịnh Phong là di tích lịch sử văn hóa, nơi thờ tự vị tướng tài ba đã anh dũng hi sinh trong phong trào Cần Vương năm xưa. Miếu Thờ Trịnh Phong Diên Khánh bên cạnh cây Dầu Đôi hơn 200 tuổi nơi ai đến Nha Trang cũng một lần ghé qua và tìm hiểu về những câu chuyện ly kỳ xảy ra ở đây.

Miếu thờ Trịnh Phong xưa kia là một cái miếu nhỏ, được xây dựng dưới gốc cây Dầu Đôi, một cây cổ thụ có một không hai ở Diên Khánh. Ban đầu, miếu được xây dựng đơn giản, nhà tranh, vách đất, trải qua thời gian, miếu đã bị hư hỏng nhiều, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa miếu được xây dựng lại như hiện nay.

Miếu quay mặt về phía Tây, trông lên đỉnh Hòn Dung cao ngất, xây dựng vào khoảng những năm 90 thế kỷ XIX, ban đầu nơi đây chỉ là am thảo nhỏ. Đầu thế kỷ XX, dân làng xây lại miếu. Miếu hiện nay làm đơn giản, lợp mái tôn. Suốt một thế kỷ qua, mặc dù thờ Trịnh Phong, nhưng trong miếu không để bài vị thờ, bởi lẽ đối với chính quyền thực dân phong kiến, Trịnh Phong là kẻ thù không đội trời chung. Song tình cảm của nhân dân Diên Khánh đối với Trịnh Phong vẫn còn lưu truyền mãi mãi…

Trịnh Phong sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, chúng ta không có tư liệu chính thức về thân thế và sự nghiệp của ông một cách đầy đủ, song chắc chắn rằng khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương (tháng 8-1885) thì ông đang là một vị quan của triều đình (tài liệu của Pháp có ghi rằng ông giữ chức Đề lại), đóng ở thành Diên Khánh.

Trải qua một số trận đánh, lực lượng nghĩa quân ngày càng bị tổn thất, nhiều tướng lĩnh sa vào tay giặc và đến cuối tháng 8-1886 Trịnh Phong cũng bị giặc bắt.

Biết rằng không thể mua chuộc được người anh hùng, thực dân Pháp đã hèn hạ xử trảm ông cùng một số đồng chí của ông để uy hiếp tinh thần yêu nước của nhân dân tại Hòn Khói (11-9-1886). Cùng lúc đó, người bạn chiến đấu thân thiết của ông, Tổng trấn Trần Đường cũng đã hiên ngang đón nhận cái chết để cứu dân làng. Một số nghĩa binh đã rút ra Phú Yên tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng nghĩa quân của Lê Thành Phương.

Sau cái chết oanh liệt của Trịnh Phong, nhân dân vô cùng thương tiếc và nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại đã được lưu truyền để khẳng định đức độ và sự linh thiêng của ông. Chính vì vậy, miếu Cây Dầu đôi được coi là nơi quân giặc đã treo đầu ông để thị uy dân chúng.

Truyền rằng, cách đây hơn 100 năm, có một người đàn bà đi qua cây Dầu đôi chợt nhìn thấy một đầu người treo trên cây. Không ai rõ lai lịch của cái đầu lâu ấy. Một buổi nọ, có người đàn ông đang cày đồng bỗng chạy một mạch đến cây dầu đôi tự xưng mình là Trịnh Phong đã bị kẻ thù sát hại bêu đầu trên cây. Nói xong, người ấy lăn ra bất tỉnh, khi tỉnh lại thì đi đâu mất không ai rõ. Có thể, đây là một hình thức mà nhân dân Khánh Hòa “hợp thức hóa” việc thờ cúng cho ông dưới thời Pháp thuộc. Hiện nay, phần mộ của Trịnh Phong được đặt ngay trong khuôn viên của dòng họ tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang.

Hiện nay Miếu Thờ Trịnh Phong do trường THCS Trịnh Phong chăm sóc và thường có các hoạt động để ghi nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc:

- Thành lập đội chuyên phụ trách lao động vệ sinh khu di tích.

- Tổ chức cho thành viên tham gia lao động vệ sinh, trồng hoa cây cảnh, chăm sóc di tích.

- Tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về: Lịch sử hình thành, sưu tầm văn thơ tranh ảnh, bút tích, hiện vật về di tích Trịnh Phong với hình thức ngoại khóa toàn trường. - Tổ chức cho học sinh các lớp dựng lại nội dung lịch sử theo chủ đề “Bản lĩnh Trịnh Phong”.

- Tổ chức cho các thành viên dâng hương vào dịp lễ tết, cúng giỗ.

- Tuyên truyên cho mọi người xung quanh cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.

Gần khu vực
Hình ảnh
Từ khóa
DÀNH CHO DOANH NGHIỆP & CÁ NHÂN